"42 tuổi rồi, tôi tranh giành gì nữa?"

- Dừng chân "Anh trai vượt ngàn chông gai" ở tập 10, anh có buồn?

Lúc trước ngồi với nhau, ai cũng nói: "Đang vui vẻ vậy tự nhiên hết game giải tán, ai về nhà nấy". Không gặp nhau nữa chắc chắn nhớ dữ lắm, từ lúc biên tập kêu đi quay, lúc tập bài, ăn uống, chọc phá nhau, tới lúc làm trò... Chắc sẽ hụt hẫng một thời gian! Chúng tôi lập nhóm chat giữ liên lạc, hứa ai ra sản phẩm sẽ được những anh tài còn lại ủng hộ. 

- Xuyên suốt chương trình, người ta nói anh mờ nhạt, cũng không sai? 

33 anh tài giống như 33 nhân vật. Tôi chọn thể hiện đúng con người mình: nói ít, thích đứng từ xa ngắm mọi người thể hiện.

Sau những thăng trầm trong đời, tôi không thích ồn ào, giao du quá rộng rãi, chỉ gặp những người nên gặp, nói những chuyện cần nói. 

Tôi với Trọng Hiếu hay nói chuyện không phải vì chúng tôi nhạt mà là năng lượng giống nhau, hút nhau. Nếu muốn, chưa chắc ai "mỏ hỗn" lại Phạm Khánh Hưng nha!

W-VIP_Temp_File_image_repair_1725744228029.jpg
Ca sĩ Phạm Khánh Hưng. 

Nhưng tôi 42 tuổi rồi, tranh giành gì nữa giờ? Vinh quang hả? Tôi từng có rồi, bây giờ cũng không lên cao hơn được nữa. 

Hồi thi Anh trai vượt ngàn chông gai, tôi đặt KPI 5 tập là về. Tôi tự tin đàn, hát, cao lắm có 2-3 tài năng, thì các bạn trong này phải 9-10 cái, năng lượng tỏa ra quá kinh khủng! Chưa kể, tuổi trẻ tôi không còn, khán giả lại ít hơn. 

Trước đây, tôi cố chấp với cái mình cho là đúng, sau khi mở lòng mới biết còn rất nhiều cái đúng khác, chỉ là chúng ta đứng ngược chiều, góc nhìn khác nhau. 

- 42 tuổi, anh vẫn dùng từ "trưởng thành", lạ lùng quá chăng? 

Lúc trẻ, tôi đã gia trưởng, độc đoán. Tôi quan niệm đàn ông phải là tiếng nói lớn nhất trong gia đình. Dù rất yêu và chiều vợ, bạn gái, tôi luôn yêu cầu họ nghỉ việc để mình đi làm, "gánh vác giang sơn". Tôi sống với suy nghĩ đó suốt thời gian dài.

Phạm Khánh Hưng.jpg

Phạm Khánh Hưng trong tiết mục "Dạ cổ hoài lang". Ảnh: NSX

Tôi cũng từng là kiểu phân biệt rạch ròi chính nghĩa, phản diện. Lúc thi Anh trai vượt ngàn chông gai, tôi từng thấy ồn không chịu được, nghĩ bụng: "Ông nào cũng 30-40 tuổi hết rồi, làm gì ồn như cái chợ vậy?". Tôi luôn rập khuôn, phải im lặng và lịch sự mới là đàn ông. 

Nhưng họ có sai? Không, người sai là tôi! Hóa ra, tôi tự đóng khung mình quá lâu, cô độc quá lâu, bây giờ mở lòng ra lại nhìn thấy nhiều thứ chưa từng thấy. 

Hôm các anh tài tặng quà lẫn nhau, Trọng Hiếu tặng tôi một trái tim màu vàng bằng đá và nói: "Hy vọng anh đi đâu cũng đem theo một trái tim. Nó là sự quan tâm để anh không thấy cô đơn nữa". 

Một người ngoài 40 tuổi, vào gameshow không chơi với ai, không có nhu cầu kết bạn, tự nhiên có người quan tâm với sự cô đơn của mình, tôi xúc động nhiều lắm! 

Tôi dần mở lòng, trò chuyện nhiều hơn, hóa ra mọi người vẫn đón chào mình. Tôi biết ơn nhiều lắm.

Không bằng người ta nên thua rất vui vẻ

- Trên sóng, khán giả chưa rõ anh mở lòng thế nào?

Nội dung bạn xem đã qua biên tập, những cái tôi thay đổi bị cắt hết rồi. Một tập 2 tiếng mấy, quay 33 người xong lại phỏng vấn từng người, làm sao chiếu hết? Tôi xuất hiện vậy là nhiều rồi.

Nhờ chương trình, ai cũng biết tôi đã về Việt Nam hoạt động, vậy là có lời.

Ở trường quay, khán giả còn không biết Phạm Khánh Hưng là ai. Làm gì có khán giả nào ở thế hệ tôi đứng ghi hình nổi 12 - 13 tiếng? Vì vậy, điểm hỏa lực không nói lên được điều gì. Khi chương trình lên VTV, YouTube, các anh tài mới chinh phục khán giả bằng thực lực. Mình phải chấp nhận luật chơi, không cãi. 

Nói thật, nên dành spotlight cho những bạn khác. Thanh Duy, BB Trần quá giỏi. Lần đầu bước vào, tôi đã thấy năng lượng của mình yếu nhất trong 33 người. Tôi không bằng người ta nên thua rất vui vẻ. Đi đến tập 10 là quá may mắn.  

457725057_10160646048427979_1333336260151103003_n.jpg
Phạm Khánh Hưng mở lòng tại cuộc thi. Ảnh: NSX

- Chuyện các anh tài tị nạnh, chèn ép, chiêu trò... đằng sau ống kính, có thật không?

33 anh em rất thương nhau, sẵn sàng cho nhau những kinh nghiệm tốt nhất. Có điều mấy anh lớn ngủ ngáy quá! Tôi không ngủ nổi phải "leo rào" về nhà, ngoài ra không có vấn đề gì. 

- Thời nay, không ai tin nghệ sĩ có hành vi vô tư. Chẳng hạn, anh đăng ảnh khóc, nước mắt nước mũi lấm lem, người ta có thể nói đó là một chiêu cao tay, độc đáo.

Suy nghĩ của người ta, miệng người ta, tôi đâu thể giải thích hay cấm đoán ai được. Cứ để họ làm gì mình muốn, việc tôi tôi làm.

Tôi đăng hình khóc lóc vì mình là người như vậy. Hồi nhỏ, coi phim Xóm vắng, tôi vừa ăn cơm vừa khóc tè le cái tô. Cách đây không lâu, tôi coi phim Hẹn em nơi ấy (At cafe 6) cũng khóc. Tôi sợ mấy bộ phim hai người cùng trải qua tuổi thơ bên nhau, lớn lên lại không yêu nhau nữa.

Năm 2024 vẫn có người khóc vì coi phim ngôn tình đó. Mưa, biển và nước mắt là 3 thứ nước tôi thích nhất.

Tôi thích khóc vì nhờ đó mới thấy trái tim còn rung động, không bị chai lì bởi cuộc sống mệt mỏi, phải né tránh đủ thứ. Mỗi lần khóc, tôi đều tự nhủ mình "hên quá, chưa tới nỗi lãnh cảm".

- Anh nhìn nhận thế nào về những được/mất sau cuộc thi?

Tôi có một lứa khán giả trẻ toàn kêu mình bằng "chú". Các bạn "đã" lắm, lúc nào cũng hỏi thăm, vẽ hình đẹp quá trời. Ngày nào tôi cũng bận trả lời tin nhắn, bình luận. 

Trong mấy anh tài, hình như chỉ còn tôi chưa làm broadcast (kênh thông báo). Tôi không phải kiểu người không suy nghĩ trước khi nói nhưng thích nói những gì mình nghĩ. Vậy lại sợ đụng chạm, không đáng, né thôi. Dù gì khán giả cũng công nhận tôi ít nói, nhưng thả câu nào "mặn" câu đó, được quá trời.

Khi những nhân duyên được an bài đến, tôi cứ đón nhận thôi. 20 năm đi hát, tôi chỉ quen 2-3 nhà báo, chơi thân 2-3 ca sĩ, vì cố tình né. Tôi không thích bị nói mình phải chơi với ai mới đi lên, không thích vào bè phái của ai. 

Showbiz rất mệt, nếu không muốn mệt thì chủ động né trước. Cho nên, tôi rất cô độc, từ cuộc sống đến công việc. Đến giờ, tôi mới hối hận sao lại để bản thân cô độc đến mười mấy năm.

Thôi thì đã có an bài, mọi chuyện do duyên, chắc vũ trụ muốn mình tới lúc mở lòng. Nếu mở lòng sớm, tôi làm gì có 100 bài hát buồn.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/ca-si-pham-khanh-hung-toi-khong-bang-nguoi-ta-nen-thua-rat-vui-ve-2319173.html