Loạt sao nam "Anh trai say hi" bị quấy rối
Thời gian gần đây, nhiều cộng đồng fan (người hâm mộ) phẫn nộ việc thần tượng bị một số cá nhân quá khích lợi dụng đám đông để quấy rối tình dục.
Dịp lễ hội Halloween vừa qua, sau khi hoàn thành buổi diễn, ca sĩ Erik nán lại giao lưu với fan, bị một cô gái bất ngờ chồm người lên hôn vào má. Đoạn clip gây tranh cãi dữ dội trên các nền tảng mạng xã hội.
Trong một video được lan truyền, Gemini Hùng Huỳnh bị một fan nữ mặc áo đen ôm chặt vài giây, dụi mặt vào ngực rồi rời đi. Hành vi bất ngờ khiến nam ca sĩ bối rối.
Tại một sự kiện giao lưu, Dương Domic tỏ ra thân thiện khi một fan nữ giơ điện thoại quay clip cùng. Tuy nhiên trong tích tắc, cô gái bất ngờ nhón chân, có hành vi giống định hôn thần tượng nhưng bị nhân viên bảo vệ ngăn lại.
Gây tranh cãi nhất là clip rapper Captain Boy biểu diễn tại một tụ điểm, bị một khán giả nam dùng tay sờ soạng vùng nhạy cảm. Hành vi khiến fan của anh bức xúc, bảo nhau truy tìm danh tính nam khán giả khiếm nhã.
Đây không phải lần đầu các nam nghệ sĩ nói chung và dàn sao trẻ Anh trai say hi nói riêng bị quấy rối. Wren Evans, Mono, Hieuthuhai... đều từng bị động chạm, sờ mó khi biểu diễn.
Hành vi quấy rối tình dục không chỉ biểu hiện bằng hành động mà còn lời nói. Tháng 7 vừa qua, mạng xã hội xôn xao vụ việc tài khoản Q.N - được cho là chuyên viên sản xuất cấp cao của chương trình Anh trai say hi - dùng những từ ngữ thô tục để mô tả về các nghệ sĩ như: "mỗi ngày được chơi 1 anh", "nước sẽ chảy lai láng", "trứng sẽ rụng hết 2 buồng"…
Sau khi bị lên án, các phát ngôn tính dục hóa dàn sao trẻ nhằm mời gọi, thu hút khán giả bị chính chủ Q.N xóa đồng thời khóa tài khoản.
Cộng đồng fan ca sĩ Hoài Lâm từng đuổi một fan nữ có nickname L.T khỏi FC vì nhiều lần quấy rối tình dục thần tượng. Cô này thường xuyên đăng tải kế hoạch "tấn công bất ngờ" Hoài Lâm như ôm, dụi mặt vào cơ thể, hôn tay... chủ động nhờ người quay clip rồi khoe trên mạng xã hội như thể "chiến tích" đáng tự hào.
Xử lý thế nào?
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, luật sư Trần Bá Học - Đoàn Luật sư TPHCM - cho hay pháp luật hiện chưa có định nghĩa chung cho hành vi quấy rối tình dục.
Riêng lĩnh vực lao động, khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định: "Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận".
Theo anh, có thể suy rộng ra quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác.
Hành vi quấy rối tình dục có thể biểu hiện dưới nhiều dạng hành vi như lời nói, sự đụng chạm, cử chỉ cơ thể, thậm chí là tin nhắn, thư từ, bình luận trên mạng xã hội…
"Cần xem xét mức độ của hành vi thế nào là quấy rối. Nếu người nhận không muốn mà người có hành vi vẫn thực hiện, đó được xem là hành vi quấy rối tình dục và vi phạm pháp luật", theo ông.
Về chế tài, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi mà chủ thể có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 5-8 triệu đồng theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Nếu hành vi quấy rối tình dục ở mức độ nghiêm trọng, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt lên đến 5 năm tù.
Người vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Ngoài ra, người có hành vi quấy rối tình dục còn phải bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như các chi phí hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập bị mát đi, giảm sút, tổn thất tinh thần, các khoản thiệt hại khác.
Mức bồi thường tổn thất tinh thần do các bên thương lượng, nếu không thương lượng được mức bồi thường không quá 10 lần mức lương cơ sở theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.
Dù vậy, luật sư Trần Bá Học đánh giá những chế tài này chưa đủ sức răn đe với người cố tình thực hiện hành vi. Một bộ phận khác lại nhận thức không đầy đủ, cho rằng mình chỉ đang vui đùa với người mà không biết đó là hành vi quấy rối tình dục, xâm phạm trực tiếp tới họ.
"Một số nước như Hàn Quốc hay Singapore xử lý rất mạnh tay các hành vi quấy rối tình dục, nhiều trường hợp thậm chí xử lý hình sự. Do vậy, pháp luật Việt Nam cũng nên xem xét việc hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục để răn đe và ngăn chặn hiệu quả hơn", ông nói.